(84-225)3731090 | fax:(84-225)3731007 pid@vosco.vn | drycargo@vosco.vn
Thận trọng khi cho tàu thả neo hay thả trôi ở khu vực ngoài giới hạn của cảng
Thận trọng khi cho tàu thả neo hay thả trôi ở khu vực ngoài giới hạn của cảng

THẬN TRỌNG KHI CHO TÀU THẢ NEO HAY THẢ TRÔI Ở KHU VỰC NGOÀI GIỚI HẠN CỦA CẢNG

Capt. Nguyễn Đức Minh - DPA

Thông thường các Chủ tàu thường hướng dẫn tàu đến thả neo ở khu vực phía ngoài giới hạn cảng (Outside/Off port limit-OPL) trong trường hợp tàu phải nằm chờ kế hoạch dài ngày nhằm tiết kiệm chi phí neo đậu cũng như để thực hiện các công việc khác như sửa chữa, bảo dưỡng hay vệ sinh hầm hàng mà nếu neo trong khu vực neo trong Cảng tàu không được phép hoặc rất khó khăn trong việc xin phép thực hiện. Cũng có rất nhiều trường hợp tàu được yêu cầu dừng thả trôi ở OPL trong thời gian ngắn để chờ đón Hoa tiêu đưa tàu vào khu neo trong Cảng hay vào cập cầu.

Hiện nay cỏ rất nhiều khu vực OPL tại một số Cảng, đặc biệt là khu vực luồng Malacca mà theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS), Malaysia, Singapore và Indonesia có lãnh hải chồng lấn ở các khu vực ngoài giới hạn cảng Singapore và không có vùng biển quốc tế nào được công nhận ở phía đông Singapore dẫn đến việc tàu neo đậu hoặc cho thả trôi tại OPL Singapore để chờ kế hoạch mà không được phép của các bên liên quan có thể dẫn đến việc tàu sẽ bị bắt giữ và phạt tiền.

Các vùng lãnh hải được các Quốc gia tuyên bố ở khu vực luồng Malacca

Thực tế, trong các năm vừa qua có rất nhiều tàu biển đã bị biên phòng Malaysia và Indonesia bắt giữ do đã thả neo hoặc thả trôi ở khu vực OPL hay có các hoạt động trái phép trong lãnh hải của các Quốc gia này. Chỉ trong năm 2023, Biên phòng Malaysia  bắt giữ 86 tàu nước ngoài vì hành vi thả neo trái phép trong vùng biển của Malaysia. Việc các tàu neo đậu trái phép ở Malaysia cũng không phải là vấn đề nhỏ, chỉ quanh khu vực Johor, Malaysia đã có hàng trăm tàu bị bắt do neo trái phép kể từ đầu năm 2022. Ngoài ra còn có những tàu sau khi bị bắt do neo trái phép đã âm thầm trả những khoản phí đáng kể để được thả và tránh bị trừng phạt thêm. Theo báo chí thương mại, những con số này có thể vượt quá sáu con số.

Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia bắt giữ 4 tàu nước ngoài neo đậu trái phép ở vùng biển phía đông Johor từ ngày 13-18/5/2024 (nguồn: Straits Times)

Khu vực phía Bắc, phía Đông của Horsburgh Light và xung quanh đảo Bintan là nơi có rất nhiều tàu biển bị biên phòng Indonesia bắt do neo trái phép (nguồn: Marine news)

Khu vực phía Bắc, phía Đông của Horsburgh Light (gần lối vào cửa phía đông luồng Malacca) và vùng biển xung quanh đảo Bintan, Indonesia là nơi neo đậu phổ biến do vị trí của nó gần các tuyến đường hành trình, nơi trước đây các tàu thường đợi để vào Nhà máy đóng/ sửa chữa tàu, tiến hành thay thuyền viên (trong thời kỳ Covid-19 do việc phối hợp và cách ly sẽ mất nhiều thời gian) hoặc chờ hướng dẫn của Người thuê tàu, v.v. Tuy nhiên, vùng biển này nằm trong lãnh hải của Indonesia. Theo báo cáo trong những năm vừa qua đã có rất nhiều tàu biển bị biên phòng Indonesia bắt giữ vì neo trái phép trong vùng biển này.

 

Tuyên bố đường cơ sở và vùng nước nội thủy của Indonesia. Nếu tàu không nắm rõ thông tin này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao bị biên phòng Indonesia bắt do neo hoặc có các hoạt động không khai báo theo qui định của họ.

Tạp chí hàng hải (Marine news) đã đưa ra một số trường hợp điển hình tàu neo, thả trôi trái phép bị biên phòng bắt giữ như sau: 

Tàu đi từ Fremantle, Australia đến Singapore và sau đó tàu bắt đầu dừng thả trôi ở vị trí có tọa độ 01°35’.3 N / 105°02’.1 E để điều chỉnh thời gian đón hoa tiêu Singapore tại Trạm hoa tiêu. Sau khi tàu dừng thả trôi khoảng 11 giờ, tàu bị trôi dạt và đã bị Hải quân Indonesia bắt giữ ở vị trí có tọa độ 01°-27'.7 N / 105°-01'.2 E. Cả hai vị trí đều nằm trong lãnh hải Indonesia.

Các tàu neo đậu gần đảo Bintan, Indonesia (ở phía Nam eo biển Singapore), gần đây đã bị Hải quân, Hải quan và/hoặc Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ với lý do các tàu được cho là đã neo đậu mà không được sự đồng ý của Chính quyền Indonesia.

Khu vực này là địa điểm phổ biến cho các tàu “chờ chỉ thị” vì gần các tuyến đường vận chuyển và được cho là OPL (Off Port Limits) Singapore. Tuy nhiên, những vùng biển này nằm trong lãnh hải của Indonesia nơi áp dụng quy định của địa phương

Khu vực được khuyến nghị các tàu không được thả neo và thả trôi ở cửa phía đông luồng Malacca (nguồn: Marine news)

Điển hình nhất là vụ việc tàu M/T “Afra Oak” treo cờ Liberia vào tháng 2 năm 2019, sau khi tàu xếp xong hàng tại Singapore, theo yêu cầu của Người thuê tàu, tàu đã chạy ra neo ở khu vực ngoài giới hạn cảng phía đông Singapore (EOPL) để chờ chỉ thị dỡ hàng tiếp theo. Người thuê tàu không chỉ rõ tàu sẽ neo ở đâu và Thuyền trưởng đã tiến hành neo đậu ở vùng biển Indonesia mà không có sự cho phép cần thiết của chính quyền Indonesia. Kết quả là con tàu bị biên phòng Indonesia bắt giữ. Thuyền trưởng và con tàu bị bắt giữ trong 8 tháng và chỉ được thả ra sau khi đã nộp phạt theo phán quyết của tòa án. Vụ việc gây ra rất nhiều tổn thất cho Chủ tàu và Người thuê tàu.

 Khu vực được khuyến nghị các tàu không được thả neo và thả trôi ở cửa phía tây luồng Malacca (nguồn: Marine news)

Nguyên nhân của các vụ việc tàu thả neo hay thả trôi ở khu vực OPL bị các bên liên quan bắt giữ

  1. Thuyền trưởng thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, tham khảo kỹ hải đồ và các tài liệu liên quan trên tàu về vị trí/khu vực dự định cho tàu thả neo hay thả trôi nên đã để tàu thả neo/thả trôi ở khu vực cấm (không được neo/ thả trôi) của Quốc gia liên quan.
  2. Thuyền trưởng không nắm rõ cách xác định đường cơ sở, vùng nước nội thủy, lãnh hải,… nên đã để tàu vi phạm qui định hành hải và neo đậu của các Quốc gia liên quan khi tàu hoạt động trong các khu vực này.                          
  3. Chủ tàu và tàu không nắm được qui định/thủ tục phải xin phép khi tiến hành các hoạt động cập mạn, làm hàng hay các hoạt động khác ở trong lãnh hải của một Quốc gia.
  4. Một số trường hợp tàu bị bắt do đã neo/thả trôi trái phép để tiến hành hoạt động buôn lậu, bán nhiên liệu, hàng hóa lấy trộm trên tàu.

Biện pháp phòng ngừa

  1. Thuyền trưởng phải tuân thủ nghiêm các qui định liên quan khi hành hải hay neo đậu trong lãnh hải của các Quốc gia. Trong mọi trường hợp, trước khi tàu dự kiến neo ở khu vực nào, Thuyền trưởng cần phải liên lạc với Đại lý tàu, Cảng vụ (nếu có), Trạm Biên phòng khu vực để xin phép cho tàu neo và thực hiện theo hướng dẫn của họ.  
  2. Thuyền trưởng cần tham khảo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 để nắm được khái niệm, cách xác định đường cơ sở, vùng nước nội thủy, lãnh hải,… để đảm bảo tàu không vi phạm qui định hành hải và neo đậu của các Quốc gia liên quan tại các khu vực mà tàu hoạt động. Tuy nhiên hiện nay do một số Quốc gia có biển tuyên bố chủ quyền trên biển nhưng chưa được Quốc tế công nhận, do đó có sự sai khác về phân giới lãnh hải trên hải đồ Anh và Hải đồ địa phương của một số Quốc gia vì vậy khi đưa tàu đến hoạt động trong lãnh hải của các Quốc gia này, thuyền trưởng cần phải tìm hiểu thêm thông tin hướng dẫn từ Đại lý của tàu cũng như phải tuân thủ theo qui định và luật pháp liên quan của họ để tránh bị bắt giữ hay bị phạt.

Khi tàu hành hải đi qua bờ biển của các Quốc gia khác phải duy trì khoảng cách tối thiểu 12 hải lý đến điểm bờ gần nhất.

Đối với khu vực OPL Singapore, khu vực đầu luồng Malacca như đã đề cập ở trên, để ngăn ngừa tái diễn các sự cố tương tự, tất cả các tàu phải áp dụng yêu cầu sau:

a) Đánh dấu khu vực, vùng biển cấm tàu thả neo và thả trôi theo qui định của Malaysia, Indonesia trên các hải đồ liên quan để lưu ý không vi phạm.

b) Khi điểm đến của tàu không phải là cảng của quốc gia ven biển, thuyền trưởng phải tránh xa lãnh hải của quốc gia ven biển cách đất liền gần nhất trong phạm vi 12 hải lý.

c) Khi tàu phải dừng thả trôi để chờ đón Hoa tiêu đưa tàu vào khu neo trong Cảng hay vào cập cầu, Thuyền trưởng phải lập kế hoạch di chuyển trôi dạt của tàu để kiểm soát tránh tàu trôi dạt vào trong khu vực giao thông đông đúc hay trôi dạt vào vùng nước bị cấm thả neo/thả trôi.  

  1.      Tàu và các Chủ tàu phải tuân thủ nghiêm Điều 17, Công ước Luật biển 1982 quy định: “Với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải”. Trong đó qui định rõ việc đi qua này phải được tiến hành liên tục, nhanh chóng. Các tàu thuyền nước ngoài chỉ có thể dừng lại và thả neo khi gặp những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng, hay mắc nạn, hoặc vì mục đích cứu giúp người hay tàu thuyền, phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn. Sau khi các sự cố hay công việc đề cập trên kết thúc, tàu thuyền nước ngoài phải tiếp tục hành trình liên tục và nhanh chóng. Do đó việc tàu neo hay thả trôi trong lãnh hải của một Quốc gia, Chủ tàu hoặc tàu cần phải xin phép và được sự cho phép của Quốc gia liên quan.

          Minh họa cách xác định đường cơ sở, vùng nội thủy, lãnh hải của một Quốc gia

  1. Chủ tàu và Người quản lý tàu cần áp dụng các biện pháp hiệu quả để quản lý hải trình của tàu, phát hiện kịp thời các hành động vi phạm pháp luật của tàu, đặc biệt việc tàu thả neo, thả trôi hay cho tàu cập mạn trái phép để thực hiện hoạt động buôn lậu, bán nhiên liệu, bán hàng hóa lấy trộm trên tàu gây thiệt hại cho Chủ tàu và có nguy cơ bị chính quyền sở tại bắt giữ và phạt tàu.


Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam

Vietnam ocean shipping joint stock company

vận tải biển hàng đầu

vận tải biển uy tín, chất lượng

vận tải biển tàu hàng khô

vận tải biển tàu dầu

vận tải biển tàu container